Cách phòng tránh cảm nắng, say nắng trong thời tiết mùa hè khắc nghiệt

Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm và nếu không biết cách bảo vệ bản thân, chúng ta sẽ rất dễ gặp phải tình trạng say nắng, cảm nắng trong thời tiết “độc” như thế này.

Khi bị say nắng, không đơn giản chỉ là những hiện tượng nhỏ như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu mà nếu không xử lý kịp thời còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và thậm chí đối diện với nguy cơ tử vong.

Cùng mẹ Bắp Nubeauty học cách phòng tránh và đối phó với những cơn cảm nắng, say nắng để vượt qua thời tiết mùa hè oi nóng, khắc nghiệt một cách dễ dàng nhất nào!

say-nang-cam-nang-la-gi
Cần tìm cách giảm thân nhiệt cho người bị say nắng

Say nắng và cảm nắng là gì?

Mẹ Bắp Nubeauty thấy nhiều người hay nhầm lẫn giữa say nắng và hạ đường huyết vì đều có 1 số biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn nhưng thực tế về bản chất, 2 tình trạng này là hoàn toàn khác nhau.

Say nắng, cảm nắng nói một cách dễ hiểu nhất là tình trạng cơ thể mất nước và rối loạn thân nhiệt do không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh – nắng nóng quá độ hoặc sốc nhiệt do chuyển đổi môi trường nhiệt độ bất ngờ.

Vào hè rồi, mẹ Bắp Nubeauty thấy nhiều mẹ khá chủ quan, cho con đi chơi nhưng không che chắn bảo vệ con cẩn thận khiến con bị cảm nắng, ốm sốt. Thời tiết này độc lắm, người lớn như mình nhiều khi còn không chịu được nữa là trẻ nhỏ, chị em mình cẩn thận vẫn hơn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng say nắng chủ yếu vẫn là do khi chúng ta hoạt động quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, tia cực tím sẽ chiếu xuyên vào vùng cổ gáy làm rối loạn khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể, gây ra tình trạng mất nước.

Đây cũng chính là lý do cứ ra ngoài đường là mình bịt bùng rất kín vùng cổ và gáy để bảo vệ cơ thể tốt nhất. Với tình hình thời tiết mấy hôm nay thì biết cách bảo vệ bản thân không bao giờ là thừa các mẹ ạ.

Triệu chứng say nắng, cảm nắng

Say nắng có những dấu hiệu rất đặc trưng mà chỉ cần để ý một chút chúng ta có thể nhận ra để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những hậu quả nặng hơn.

Mẹ Bắp Nubeauty phân cấp ra thành 2 dấu hiệu nhẹ – nặng để nhà mình có thể biết luôn được tình trạng say nắng nào là nguy hiểu có thể dẫn đến co giật, ảnh hưởng hệ thần kinh và tính mạng:

– Biểu hiện say nắng nhẹ:

+ Chóng mặt, đầu choáng váng: Đây là biểu hiện nhẹ và thường thấy nhất của tình trạng say nắng và thường dễ bị nhầm với tụt huyết áp, tuy nhiên nếu chóng mặt da tụt huyết áp, bạn sẽ không thấy cơ thể bị nóng lên, người háo nước.

+ Đau nhói đầu từng cơn

Thỉnh thoảng bạn thấy da đầu nhói buốt từng cơn chứ không phải kiểu đau nửa đầu hoặc nhức đầu như bình thường thì đây chính là biểu hiện của việc bạn bị cảm nắng.

+ Da đỏ lên, người cảm giác nóng, miệng lưỡi khô khốc, háo nước

Chắc chắn là chúng ta đã từng thấy nhiều người đi ngoài nắng về mặt đỏ phừng phừng như uống rượu bia và rất khát nước rồi đúng không ạ? Nhiều người bị như vậy nốc nước lạnh ừng ực để giải nhiệt hoặc chui ngay vào phòng điều hòa cho mát nhưng như vậy nguy hiểm cực kỳ do cơ thể bị sốc nhiệt. Tẹo nữa mẹ Bắp Nubeauty sẽ hướng dẫn cách xử lý tình huống này để hạ nhiệt mà không nguy hiểm cho cả nhà.

– Biểu hiện say nắng nặng:

+ Người không ra mồ hôi nhưng thân nhiệt cao trên 40 độ C

+ Buồn nôn và nôn

+ Nhịp tim đập nhanh, thở nhanh hơn bình thường

+ Thấy người lả đi kiểu cơ yếu, bị chuột rút

+ Không kiểm soát được đầu óc, hành vi, mất phương hướng, ý thức

+ Co giật, hôn mê

Chỉ cần có 1 trong số những biểu hiện say nắng trên thì tình trạng đã ở mức độ đáng báo động do đã tác động, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, đặc biệt là biểu hiện co giật, ngất, hôn mê và không làm chủ được ý thức hành vi của mình.

Nếu không may rơi vào tình huống này, xử lý thông minh, nhanh nhẹn là điều tối quan trọng nếu chúng ta không muốn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

say-nang-cam-nang-la-gi-1
Đau đầu, chóng mặt buồn nôn là những biểu hiện rất đặc trưng của say nắng

Cách chống say nắng trong đợt nắng nóng đỉnh điểm

Để phòng tránh tình trạng say nắng, cảm nắng, chúng ta cần tránh nắng trực tiếp đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia UV, cụ thể mình sẽ liệt kê trực tiếp từng phương pháp dưới đây.

a. Tránh nắng trực tiếp

Không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá lâu: Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, tốt nhất chúng ta nên hạn chế ra ngoài hoặc đi chơi, hoạt động thể lực trong không gian nắng nóng. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ cơ thể mà một lát nữa mình sẽ nói ở phần dưới.

Tránh ra ngoài vào thời điểm nắng nóng nhất trong ngày: 12h – 15h được coi là thời điểm nắng nóng đỉnh điểm trong ngày và tác hại của tia UV lên cao nhất, bạn đặc biệt tránh ra ngoài vào lúc này đặc biệt là với trẻ nhỏ, sức đề kháng còn kém.

Tránh không gian kín khi thời tiết oi bức: Ở trong không gian kín khi trời nóng sẽ khiến cơ thể bị ngột ngạt, khó thở gây bức bối nên nếu ở phòng kín có điều hòa chúng ta cũng nên sử dụng thêm quạt thông gió hoặc có khe hở giúp thoáng khí.

b. Bảo vệ cơ thể

Để cơ thể có khả năng đề kháng tốt với tình trạng nắng nóng gay gắt như mấy ngày hôm nay, chị em mình hãy ghi nhớ 1 số tips nhỏ này nhé!

Uống nhiều nước để cơ thể không bị háo nước, mất nước dẫn đến tình trạng say nắng: Bình thường chúng ta chỉ cần uống nước lọc nhưng nếu có điều kiện, ngày 1-2 ly nước dừa sẽ giúp cơ thể bớt háo nước, giải nhiệt, chống nắng rất tốt (dừa nếu mua ở các xe chuyên bán buôn thì cũng không đắt quá đâu các mẹ ạ, 1 quả tầm 7 – 12k thui).

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và nên sử dụng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi: Cứ tưởng tượng thời tiết này mà chui trong bộ đồ bó sát thôi là mình đã thấy say nắng lắm luôn rồi ấy, nên hãy ưu tiên những chất liệu mát mẻ như lanh, cotton với form đồ rộng rãi cho mùa hè để cơ thể không bị gò bó khó chịu.

Sử dụng kem chống nắng: Nhiều người chắc sẽ phản đối vì kem chống nắng đâu có chống say nắng, cảm nắng được nhưng từ từ nghe mình giải thích nhé.

Tình trạng say nắng, cảm nắng xảy ra do cơ thể bị sốc nhiệt và mất nước quá độ mà tình trạng sốc nhiệt, mất nước này do tia UV tiếp xúc trực tiếp với cơ thể gây ra hiện tượng cháy nắng, bỏng da.

Khi sử dụng kem chống nắng, chúng ta sẽ bảo vệ cơ thể khỏi tác động trực tiếp từ tia UV, chính điều này đã giúp ngăn ngừa tình trạng say nắng, cảm nắng của cơ thể. Đây là 1 số loại kem chống nắng bạn nên tìm hiểu.

Sử dụng đồ chống nắng: Áo + váy chống nắng, khẩu trang, găng tay, kính râm… luôn là những vật bất li thân trong những ngày như thế này. Với chị em mình thì đã quen rồi nhưng các anh cũng đừng chủ quan nhé, các mẹ nên sắm cho chồng mình đồ chống nắng thật cẩn thận chứ mình thấy nhiều anh đợt này sức khỏe tốt cũng bị say nắng rồi đó.

Đảm bảo những phương pháp phòng tránh và bảo vệ cơ thể là cách duy nhất để chúng ta có thể “sinh tồn” trong những ngày thời tiết như chảo lửa, nhiệt độ lúc nào cũng vượt ngưỡng 40 độ C này đấy cả nhà ạ!

Điều trị kiệt sức do say nắng

Ở phần cuối bài viết này, mình sẽ đưa ra các phương pháp điều trị kiệt sức do say nắng nhanh để hạn chế tối đa những hậu quả xấu về sau.

Khi bắt gặp một người bị say nắng ở mức độ nhẹ, chúng ta cần tiến hành giảm thân nhiệt và bổ sung nước cho người đó bằng cách:

Di chuyển họ vào nơi thoáng mát, có gió tự nhiên và cởi bớt quần áo để họ dễ thở.

Pha nước mát (nước mát không phải nước đá nhé cả nhà kẹo lại bị sốc nhiệt ngược thì còn tệ hơn) với 1 chút muối để họ bớt háo nước.

Chườm mát bằng khăn bọc đá vào những vị trí có mạch lớn như cổ, bẹn, nách để nhiệt độ cơ thể giảm bớt.

Còn nếu gặp người say nắng bị tình trạng nặng, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu để đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất. Trong lúc chờ đợi, chúng ta vẫn nên tiến hành giảm thân nhiệt và bổ sung nước theo các phương pháp như trên để quá trình điều trị phía sau được thuận lợi hơn.

say-nang-cam-nang-la-gi-2
Say nắng là tình trạng cơ thể bị sốc nhiệt, mất nước

Tạm kết

Khí hậu ngày một nóng lên và chúng ta không thể ru rú ở nhà suốt cả mấy tháng hè chỉ vì sợ say nắng, cảm nắng được.

Vậy nên mình hy vọng bài viết này sẽ giúp cả nhà mình không còn quá sợ nắng hè vì đã biết cách bảo vệ bản thân khỏi tình trạng say nắng, cảm nắng trong những ngày nắng gắt như hiện nay!

Chúc cả nhà luôn vui khỏe!

Mẹ Bắp Nubeauty.